Năm đó tôi 13 tuổi. Vào thứ Bảy, ba thường cho tôi đi chơi công viên hay ra cầu cảng ngắm tàu thuyền. Trên đường về, ba thường dừng lại cửa hàng Dairy Queen để mua kem nón giá 10 xu. Không phải lần nào ba cũng ghé, tôi không dám yêu cầu mà chỉ hy vọng và hồi hộp chờ đợi ngay từ lúc ba lái xe về nhà. Tới góc đu7òng, hoặc ba sẽ đi thẳng và mua kem, hoặc sẽ rẽ về với hai bàn tay trắng.
Thường thì ba sẽ hỏi:
- Con có muốn một cây kem nón không ?
Tôi trả lời ngay:
- Muốn lắm, ba.
Tôi chọn kem sôcôla, còn ba chọn kem vani. Chúng tôi ăn ngay trong xe. Tôi yêu ba và thích kem lạnh - đó chính là thiên đường.
Vào một ngày như thế, trên đường về nhà, ba hỏi:
- Hôm nay con có muốn một cây kem nón không ?
- Muốn lắm, ba.
Nhưng rồi ba tiếp lời:
- Ba cũng muốn lắm. Vậy hôm nay con đãi nhé ?
Trời 20 xu! 20 xu cho hai cây kem! Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi có thể trả được. Tôi được mẹ cho 25 xu một tuần nhưng việc để dành tiền rất quan trọng. Chính ba nói như vậy mà. Và khi tôi phải bỏ tiền mua thì kem chẳng ngon gì.
Tại sao tôi không nghĩ rằng đây là cơ hội bằng vàng để tặng lại một món gì đó cho ba? Tại sao tôi không nghĩ rằng ba đã mua cho tôi hàng trăm cây kem hình nón mà tôi chưa bao giờ mua lại cho ông một cây? Lúc đó tôi chỉ nghĩ tới "20 xu" mà thôi!
Trong khoảng khắc khi sự bội ơn và ích kỷ che lấp trái tim, tôi lại thốt ra một câu ghê gớm:
- Thôi ba, mình đi qua luôn.
Ba tôi chỉ nói:
- Được thôi.
Nhưng khi về nhà, tôi mới biết mình đã phạm sai lầm khủng khiếp. Tôi van nài ba quay lại:
- Con sẽ trả tiền mà.
Nhưng ba chỉ nhún vai:
- Không sao đâu, chúng ta không cần kem đâu.
Tôi thấy buồn khủng khiếp vì tính ích kỷ của mình. Ba tôi không nhắc lại, cũng không tỏ ra buồn bã nhưng tôi nghĩ ông rất thất vọng.
Tôi rút ra bài học rằng sự hào hiệp luôn phải có hai chiều và đôi khi sự biết ơn còn có giá hơn lời "cảm ơn". Trong ngày hôm đó, lòng biết ơn sẽ có giá 20 xu và nó sẽ là cây kem ngon nhất mà tôi từng ăn. Nhưng tôi đã không làm như vậy…